Nuôi con bằng sữa mẹ biểu hiện tình mẫu tử thiêng liêng

Sữa mẹ chính là phần thân thể của mẹ đã nuôi dưỡng và bảo vệ những đứa trẻ nhỏ bé và yếu đuối trước môi trường sống đầy rẫy những nguy cơ khi trẻ rời lòng mẹ.

Theo thời gian, sữa mẹ được chia thành 3 loại chính sau:

Sữa non: là dòng sữa đầu tiên được bầu vú mẹ tiết ra, rất giàu năng lượng, chứa đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết, các vitamin và chất khoáng, các yếu tố miễn dịch cần cho cơ thể non nớt của trẻ sơ sinh. Giúp trẻ chống lại bệnh đường ruột và các bệnh nhiễm khuẩn khác, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh vàng da. Vì vậy ngay giờ đầu sau sinh, cần cho trẻ được bú mẹ. Nếu vì một lý do nào đó trẻ không được gần mẹ ngay thì cần vắt sữa non ra cho trẻ uống.

Sữa chuyển tiếp:  có từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 sau khi sinh.

Sữa vĩnh viễn: từ ngày 10-14 sau khi sinh. Từ thời điểm này, sữa mẹ tăng nhiều về số lượng và hoàn thiện dần về chất lượng với các thành phần dinh dưỡng ổn định dần. Trong suốt thời gian cho con bú, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, nghỉ ngơi, lao động của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của sữa.

Ở một bà mẹ khỏe mạnh trong một ngày lượng sữa được tiết ra từ 600 – 1.000ml, người mẹ giữ được lượng này 1 tháng sau đẻ và duy trì trong vòng nửa năm.

Sữa mẹ thường xuyên được giữ ở nhiệt độ khoảng 370C, rất phù hợp với thân nhiệt của trẻ đồng thời lại rất vệ sinh so với bất kỳ nguồn sữa nào.

Y học cổ truyền cho rằng sữa là tinh của huyết, dòng sữa mẹ chính là một phần cơ thể người mẹ. Theo y học hiện đại, sữa mẹ là một dạng “mô sống ở thể lỏng” tương tự như máu, với khoảng 4.000 tế bào sống hoạt động trong 1ml sữa, một tập hợp phong phú các yếu tố hóa sinh ở dạng đang hoạt động, một số lượng lớn các hormon và yếu tố tăng trưởng.

Hơn thế, sữa mẹ có ít nhất 60 loại enzyme, thành phần hoàn hảo với những chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng mà không một loại sữa bột nào trên thị trường có được.

So với sữa bò, sữa mẹ ưu việt hơn nhiều. Sữa mẹ cho năng lượng cao hơn sữa bò. Sữa bò có lượng protein cao gấp 3 lần sữa mẹ, do đó không thích hợp cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh khó tiêu hóa. Chất đường trong sữa mẹ có nhiều lactose gấp 2 lần sữa bò, cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và giúp các vi khuẩn có ích trong đường ruột phát triển.

Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng nên trẻ bú sữa mẹ tăng cân nhanh hơn bú sữa bò. Chất béo trong sữa mẹ cao hơn trong sữa bò, có vai trò là chất chuyên chở những vitamin A và D, cùng với acid béo thiết yếu là acid linoleic, đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của hệ thần kinh cũng như chức năng mô.

Vitamin A ở sữa mẹ cao gấp 2 lần sữa bò nên trẻ bú mẹ ít có nguy cơ thiếu vitamin A. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có các kháng thể IgA, các thực bào, bạch cầu kháng khuẩn, interferon kháng vi rút… Trong hai tuần lễ đầu sau sinh, sữa mẹ chứa 4.000 bạch cầu trong 1ml, những bạch cầu này tiết ra IgA, lactoferin, lysozym và interferon, những chất này ức chế hoạt động của một số vi rút.

Lactoferin là  một protein gắn với chất sắt, sự gắn kết này làm cho một số vi khuẩn có hại không phát triển được. Lysozym là một loại men trong sữa mẹ cao hơn sữa bò hàng ngàn lần, chất này có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại và nhiều loại virut khác. Do đó trong thời gian bú mẹ, trẻ ít bị tiêu chảy cũng như các bệnh khác.

Sữa mẹ còn có yếu tố bifidus – một chất carbohydrat có chứa nitơ là yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng của vi khuẩn lactobacillus bifidus – có vai trò biến một vài loại lactoza trong sữa thành acid lactic nên ngăn được sự tăng trưởng của vi khuẩn và ký sinh trùng có hại làm cho phân của trẻ có mùi chua khác với phân của trẻ ăn sữa bò.

Sữa mẹ chính là phần thân thể của mẹ đã nuôi dưỡng và bảo vệ những đứa trẻ nhỏ bé và yếu đuối trước môi trường sống đầy rẫy những nguy cơ khi trẻ rời lòng mẹ.

Cho con bú bằng sữa mẹ làm giảm tỉ lệ tử vong trẻ em gấp 2-3 lần, giảm tỉ lệ tiêu chảy ở trẻ gấp 14 lần hàng năm trên toàn thế giới.

Nuôi con bằng sữa mẹ vừa là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng, vừa là cách nuôi con khoa học nhất. Dưới đây là những nguyên tắc để củng cố kiến thức cho các bà mẹ đang cho con bú.

– Sáu tháng đầu sau khi sinh, phải cho trẻ bú no sữa mẹ.

– Cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ có dấu hiệu đòi bú.

– Kịp thời cho trẻ ăn thêm, cung cấp dinh dưỡng toàn diện khi trẻ 6 tháng tuổi.

– Trong thời kỳ cho con bú người mẹ phải đặc biệt chú ý dinh dưỡng toàn diện và sức khỏe cho bản thân.

– Bà mẹ bận đi làm việc cần phải đảm bảo lượng tiết sữa không suy giảm



THẢO DƯỢC MINH NHI - THẢO DƯỢC BẢO VỆ SỨC KHỎE