Sáng kiến ngừa virus corona bằng dầu tràm của sở Y tế

Với tác dụng kháng nhiều chủng vi khuẩn, việc sử dụng tinh dầu tràm sẽ tăng hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng khẩu trang thông thường”, PGS.TS Bùi Mỹ Linh nói.

PGS.TS Bùi Mỹ Linh, Khoa Dược Đại học Y TP.HCM, người đầu tiên đề xuất ý tưởng dùng tinh dầu tràm trên khẩu trang trong mùa dịch với Sở Y tế TP.HCM, cho biết qua các bằng chứng khoa học và kinh nghiệm dân gian, tinh dầu tràm tỏ ra hiệu nghiệm đối với việc chữa trị, ngăn ngừa các trường hợp cảm cúm, sốt thông thường.

Đề xuất trên có thể coi là một biện pháp phòng bị trước tình hình dịch cúm do virus corona lan rộng.

Cần nhiều thử nghiệm để chứng minh

chúng ta chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể tác dụng của tinh dầu tràm đối với chủng virus corona. Tuy nhiên với tác dụng kháng nhiều chủng vi khuẩn, việc sử dụng tinh dầu tràm sẽ tăng hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng khẩu trang thông thường”, bà Bùi Mỹ Linh nói với Zing.vn.

Theo bà Bùi Mỹ Linh, chủng vi khuẩn corona là một loại siêu vi, khẩu trang thông thường hầu như chỉ có khả năng chống bụi và không nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn các loại vi khuẩn cỡ nhỏ. Việc nhỏ tinh dầu tràm lên khẩu trang ngoài tăng tính chống bụi cỡ nhỏ (có khả năng mang lẫn mầm bệnh) còn có thêm tác dụng sát khuẩn so với việc chỉ đeo khẩu trang thông thường.

Phân tích tác dụng dược lý, PGS.TS cho biết tinh dầu tràm có các hoạt chất kháng nhiều chủng vi khuẩn, nấm. Qua các thử nghiệm, tinh dầu chiết xuất từ lá tràm còn có công dụng sát trùng đường hô hấp, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt.

“Từ kinh nghiệm dân gian và các thành phần của tinh dầu tràm, việc nhỏ tinh dầu lên khẩu trang có thể coi là một biện pháp phòng ngừa đối với virus corona để người dân tham khảo. Để biết được tinh dầu tràm có kháng được chúng virus nCoV hay không thì còn cần nhiều thử nghiệm khoa học nữa”, PGS.TS Bùi Mỹ Linh nhận định.

Chia sẻ về các biện pháp phòng tránh dịch cúm do virus corona, bà Linh thông tin việc đầu tiên người dân cần làm là giữ vệ sinh thân thể và nơi ở. Ngoài ra, việc sử dụng khẩu trang có thể khiến người dân an tâm hơn nhưng không bắt buộc phải sử dụng ở mọi nơi để tránh lãng phí.

“Khẩu trang chỉ cần thiết khi người sử dụng đến nơi đông người và tiếp xúc với nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh. Người dân nên bình tĩnh và không nên quá hoang mang về dịch bệnh này”, bà Linh chia sẻ.

Hiểu đúng để không thành cơn sốt dược liệu

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược – Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc nhỏ tinh dầu tràm lên khẩu trang mới dừng lại ở một sáng kiến của nhà khoa học trước tình hình dịch cúm do virus corona đang lan rộng. Sáng kiến này cần nhiều thời gian để chứng minh hiệu quả chứ chưa có bằng chứng khoa học cụ thể.

“Cần để người dân hiểu rõ về sáng kiến này nếu không sẽ tạo cơn sốt không đáng có trong mùa dịch. Có thể khẳng định tinh dầu tràm có tác dụng ngăn ngừa cảm cúm thông thường, còn đối với dịch do virus corona thì chưa”, ông Dũng khẳng định.

Nhóm nhà khoa học của Khoa Dược, Đại học Y tiếp tục nghiên cứu thêm về công dụng, cách sử dụng và mức độ hiệu quả phòng dịch của loại tinh dầu này.

“Các nhà nghiên cứu dược liệu mong sáng kiến này có thể góp phần hữu ích cho người dân trong mùa dịch. Dù chưa có kết quả khoa học cụ thể, nhưng sáng kiến này có thể giúp cho người dân có thêm lựa chọn tham khảo trước dịch cúm do virus corona”, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược chia sẻ.

Tại buổi họp về việc phòng, chống dịch cúm do virus corona ngày 3/2, ông Đỗ Văn Dũng thông tin có nhà khoa học đã có ý kiến dùng tinh dầu tràm để tăng tính diệt khuẩn, tăng tính an toàn.

“Tinh dầu tràm vẫn ngăn ngừa cảm cúm nói chung đã được biết tới từ lâu. Tuy nhiên đối với chủng virus corona, các nhà nghiên cứu dược liệu đang tiếp tục thực hiện thử nghiệm. Chúng ta cần thêm những bằng chứng khoa học, tránh tạo cơn sốt loại dược liệu này”, ông Đỗ Văn Dũng nói thêm.

Trước tình hình nhiều nơi cháy hàng khẩu trang, ông Dũng khuyến cáo người dân sử dụng thêm loại khẩu trang vải có thể giặt để dùng nhiều lần. Bên cạnh đó, ngành bưu điện đã thông báo không nhận gửi khẩu trang và dung dịch rửa tay ra nước ngoài.



THẢO DƯỢC MINH NHI - THẢO DƯỢC BẢO VỆ SỨC KHỎE