Tiểu đường là căn bệnh đầy thách thức ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Nếu không kiểm soát được, nó sẽ dẫn đến suy giảm sức khỏe và các vấn đề nghiêm trọng khác.
BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LÀ GÌ?
Tiểu đường là một bệnh mãn tính trong đó cơ thể không sản xuất đủ insulin, hay không thể sử dụng insulin. Thông thường, các loại tinh bột,chất đường và các chất dinh dưỡng khác được phân tách thành glucose, và được máu chuyển đến các tế bào. Các tế bào sử dụng insulin, một chất nội tiết tố (hormone) do tuyến tụy tiết ra, giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng. Nếu không có đủ insulin, hay insulin không được sử dụng đúng, glucose sẽ tăng lên trong máu và nước tiểu, điều này sẽ gây nên rất nhiều vấn đề về sức khỏe.
TÌM HIỂU VỀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG TUÝP 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2, còn được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, là dạng tiểu đường phổ biến nhất.
Không giống như những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, cơ thể của những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tạo ra insulin, nhưng tuyến tụy tạo ra không đủ lượng insulin cần thiết hoặc cơ thể không thể hấp thụ insulin đủ tốt. Đây gọi là tình trạng kháng insulin. Khi không có đủ insulin hoặc insulin không được sử dụng như bình thường, đường (glucose) không thể vào được bên trong các tế bào. Khi đường tích tụ trong máu thay vì đi vào trong tế bào, các tế bào sẽ không thể hoạt động một cách đúng đắn. Vài vấn đề khác đi kèm việc tích tụ đường trong máu là:
Làm tổn thương cơ thể. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể hủy hoại các dây thần kinh và mạch máu nhỏ của mắt, thận, tim và dẫn đến chứng xơ vữa động mạch có thể gây đau tim và đột quỵ
Mất nước. Sự tích tụ đường trong máu làm cơ thể thải ra nhiều nước tiểu, gây mất nước.
Hôn mê do tiểu đường gây ra (hyperosmolar nonketotic diabetic coma).Khi một người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và mắc một chứng bệnh khác hoặc bị mất nước trầm trọng và không thể tự uống đủ lượng dung dịch cần thiết để bù lại, họ sẽ có nguy cơ mắc phải biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em
Ngày càng có nhiều trẻ em bị chuẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tìm hiểu thêm về triệu chứng bệnh, chuẩn đoán, và phương thức điều trị bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ nhà bạn đang có nguy cơ cao, thì việc tìm hiểu những bí quyết tự chăm sóc để phòng tránh bệnh là rất quan trọng.
Để biết thêm thông tin, xem phần Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em.
Ai sẽ mắc bệnh này?
Ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng những người có nguy cơ cao hơn hết là:
Trên 45 tuổi
Quá cân hoặc béo phì
Đã từng bị tiểu đường khi mang thai
Có thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Ở giai đoạn tiền tiểu đường
Không tập thể dục
Hàm lượng chất béo HDL thấp và triglycerides cao
Có huyết áp cao
Thuộc một số dân tộc thiểu số nhất định.
Điều gì gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 ?
Mặc dù phổ biến hơn tuýp 1, nhưng nguyên nhân của tuýp 2 thì chưa được hiểu biết một cách cặn kẽ, và rất có thể do nhiều nguyên nhân.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể di chuyển giữa các thành viên trong gia đình, nhưng bằng cách nào thì chưa được rõ.
Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Những người mắc bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt lúc ban đầu. Nhưng khi chúng xuất hiện, chúng sẽ trở nên đa dạng tùy vào người bệnh:
Cảm thấy khát nước nhiều hơn.
Cảm thấy đói bụng hơn (đặc biệt sau khi ăn)
Miệng khô
Buồn nôn, thỉnh thoảng cũng ói
Đi tiểu nhiều
Mệt mỏi (yếu và có cảm giác mệt)
Tầm nhìn bị nhòa
Tê hoặc đau nhói ở bàn chân hay bàn tay.
Thường bị nhiễm trùng da, đường tiểu hoặc âm đạo.
Các vết thương lâu lành
Hiếm gặp hơn, một người có thể bị chuẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau khi bị hôn mê do tiểu đường gây ra.
Xin xem phần Triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 để biết thêm chi tiết.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 được chuẩn đoán như thế nào?
Để chuẩn đoán bệnh này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn trước hết kiểm tra sự bất thường trong máu (mức đường huyết cao) thông qua một xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên hay xét nghiệm độ dung nạp glucose trong 2 giờ. Hoặc bạn sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm hemoglobin A1c, để chỉ ra lượng đường huyết trung bình trong vòng 2 đến 3 tháng vừa qua. Đồng thời họ cũng tìm kiếm dấu hiệu của đường hoặc ceton trong nước tiểu.
Các biến chứng đi kèm với bệnh tiểu đường tuýp 2
Nếu như bệnh không được kiểm soát tốt, sẽ có vài biến chứng nghiêm trọng xuất hiện hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm:
Bệnh võng mạc. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể đã có các vấn đề về mắt liên quan đến tiểu đường. Theo thời gian, ngày càng có nhiều người ban đầu có đôi mắt khỏe mạnh sẽ mắc phải các dạng bệnh về mắt. Việc kiểm soát đường huyết , huyết áp, và chất béo để tránh các bệnh về mắt trở nên tệ hơn là rất quan trọng. May mắn thay, các vấn đề về mắt không phải là xấu ở hầu hết mọi người.
Thận bị tổn thương. Nguy cơ mắc bệnh thận sẽ tăng cao theo thời gian, có nghĩa là bạn bị bệnh tiểu đường càng lâu, nguy cơ mắc bệnh thận càng cao. Nếu không được chữa trị sớm, tổn thương thận có thể dẫn đến suy thận.
Tổn thương các dây thần kinh và hệ tuần hoàn máu yếu. Tổn thương ở các mạch máu có thể dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ cao cũng như các bệnh về động mạch biên. Tổn thương các dây thần kinh và xơ cứng động mạch dẫn đến mất dần cảm giác và tuần hoàn máu ở bàn chân. Điều này có thể dẫn đến sự nhiễm trùng và loét da, nguyên nhân lớn khiến bệnh nhân bị cắt cụt chi. Tổn thương dây thần kinh còn có thể đem lại các vấn đề về tiêu hóa như là buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy.