Nguyên nhân và cách điều trị bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh (tưa miệng) rất phổ biến. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, những vết loang trong miệng sẽ lây lan nhanh và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.

Bệnh tưa miệng ở bé tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây đau đớn cho cả mẹ và bé. Vậy nguyên nhân do đâu và cách khắc phục bệnh tưa miệng là gì? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết sau đây.

Bệnh tưa lưỡi không nghiêm trọng và là một dạng nhiễm khuẩn nấm miệng, có thể gây đau đớn cho bé. Tưa miệng làm xuất hiện các mảng nhầy màu trắng hoặc vàng ở trong má, vòm họng, nướu, trên môi và lưỡi. Nó còn có thể lan xuống họng, amidan hay thực quản. Bệnh tưa miệng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và bé ở độ tuổi tập đi.

Nguyên nhân bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Nấm là một phần trong hệ tiêu hóa của con người nhưng nếu có sự mất cân bằng thì sẽ xảy ra nhiễm nấm. Một vài bé tiếp xúc với men nấm từ còn trong quá trình cùng mẹ vượt cạn. Trong quá trình cho con bú, thuốc kháng sinh có thể gây ra bệnh tưa miệng cho dù bạn hay con có dùng thuốc hay không. Nguyên nhân là vì kháng sinh sẽ giết chết vi khuẩn có lợi giúp giữ nấm trong đường ruột được cân bằng.

Con có thể lây bệnh tưa miệng sang cho mẹ khi bú sữa, kết quả là mẹ bị nhiễm khuẩn nấm gây đau núm vú. Ngược lại, mẹ có thể lây bệnh sang cho con nếu cho con bú và uống thuốc kháng sinh.

Một số người nghĩ rằng bệnh tưa miệng là do bé bú bình hay ngậm núm vú giả trong một khoảng thời gian dài, núm vú bình bú bị bẩn, không hợp vệ sinh gây ra. Tuy nhiên, những bé chỉ bú mẹ và không dùng núm vú giả vẫn có thể bị tưa miệng nên rất khó để chỉ ra một tác nhân cụ thể.

Dấu hiệu điển hình của bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Nếu chỉ phát hiện thấy một lớp màng trắng trên lưỡi của bé thì có thể đó chỉ là mảng bám sữa (đặc biệt là khi có thể lau đi).

Tuy nhiên, nếu bạn thấy lớp màng có màu trắng hoặc vàng đặc trưng trong miệng hoặc cổ họng của con thì hãy đưa bé đi khám ngay, đặc biệt là khi những vết này gây đau đớn khi con bú sữa mẹ hoặc bú bình.

Bố mẹ nên làm gì khi con bị tưa miệng?

Nếu kết quả chẩn đoán là bệnh tưa miệng thì bác sĩ sẽ kê thuốc nấm miệng (thường là nystatin). Bệnh sẽ khỏi sau khoảng 2 tuần. Bác sĩ cũng có thể cho bé dùng thêm acetaminophen để giảm đau. Một số trẻ bị tưa miệng còn có khả năng bị nấm vùng mặc tã. Nếu bé thuộc trường hợp này thì bác sĩ sẽ kê thêm thuốc nystatin dùng cho vùng tã.

Nếu bạn đang cho con bị bệnh tưa miệng bú thì nên dùng thuốc nystatin hoặc clotrimazole ở chỗ núm vú bị nấm để mẹ và con không truyền bệnh qua lại cho nhau. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thấy bệnh vẫn chưa dứt hẳn vì tái phát bệnh thường rất hay gặp.

Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Câu trả lời là không. Tuy nhiên, nếu bé quấy khóc khó chịu, bệnh tưa miệng có thể gây khó khăn trong quá trình cho bú. Hãy cố gắng dỗ dành bé bằng mọi cách và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau và dùng thuốc đúng cách.

Cách ngăn ngừa bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Bạn không nên cho con uống các loại thuốc kháng sinh, ngoại trừ trường hợp thực sự cần thiết thôi nhé! Bạn nên vệ sinh và khử trùng núm vú thường xuyên. Các bác sĩ khuyên rằng, mẹ nên để núm vú khô ráo trước khi cho con bú để tránh bị mắc bệnh.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp trang bị nhiều thông tin bổ ích cho các bậc phụ huynh về bệnh tưa miệng ở bé.



THẢO DƯỢC MINH NHI - THẢO DƯỢC BẢO VỆ SỨC KHỎE