Nền Đông y Việt Nam là một bộ phận di sản văn hóa dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, nền Đông y Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của toàn dân tộc. Trên suốt chặng đường lịch sử, đặc biệt trong hơn 20 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền Đông y Việt Nam đã có những bước phát triển và ngày càng có vị trí quan trọng trong nền y học cách mạng Việt Nam. Góp phần làm nên những thắng lợi to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân ta trên con đường phát triển và hội nhập.
Nền Đông y Việt nam ra đời từ rất sớm. Từ thủa vua Hùng dựng nước, tổ tiên ta đã biết sử dụng 100 vị thuốc và châm cứu để chữa bệnh. Năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô về Thăng long, các vị vua anh minh nhà Lý lập ra Ty thái y để chăm sóc sức khỏe cung đình, từ đó Đông y đã trở thành nền y học chính thống của các triều đại Nhà nước phong kiến Việt nam.
Từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ XIX có 59 danh y đã để lại cho đất nước và các thế hệ sau 61 tác phẩm với những pho sách quý về lý luận cơ bản Đông y, các phương pháp chữa bệnh về nội khoa, ngoại khoa, thương khoa, nhi khoa, phụ khoa, ngũ quan, các phương pháp phòng bệnh, dưỡng sinh và đặc biệt là 9 điều y huấn cách ngôn hướng dẫn đạo đức cho người làm thuốc. Tên tuổi và sự nghiệp các bậc danh y Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Hoàng Đôn Hòa, Nguyễn Đại Năng, Đào Công Chính, Phạm Công Bân, Chu Văn An mãi mãi là những tinh hoa rực rỡ của nền y học dân tộc Việt Nam.
Thời kỳ Pháp thuộc, mặc dù bị Thực dân Pháp cấm đoán, nhưng Đông y vẫn khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, nước nhà độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 52 về thành lập các tổ chức hội.
Ngày 22 tháng 8 năm 1946 Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Nghị định số 337/NĐ-NV cho phép thành lập Hội nghiên cứu Nam dược (tiền thân Hội Đông y Việt Nam ngày nay).
Để góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến kiến quốc Hội được đổi tên là Hội Đông y cứu quốc; Tiếp đó là Hội Đông y cứu quốc Nam bộ, Hội Đông y cứu quốc tỉnh Quảng ngãi, Hội Đông y cứu quốc tỉnh Thanh Hóa được thành lập và đi vào hoạt động.
Trong kháng chiến chống pháp, với tinh thần tự lập, tự cường Đảng ta chủ trương dùng Đông y để chữa bệnh cho cán bộ, bộ đội và nhân dân; Năm 1948 đã lập Ban Nghiên cứu Đông y ở Bộ Y tế, sau đó đến các liên khu và các địa phương.
Một số tỉnh thuộc Liên khu 4 đã có xưởng bào chế, chế biến các loại thuốc cao đơn, hoàn tán, điều trị sốt rét, ỉa chảy và nhiều loại thuốc khác. Ở Quảng Ngãi hội Đông y tỉnh đã bào chế thuốc điều trị bệnh phù thũng, kiết lỵ, đau bụng. Ở Nam bộ đã xây dựng “toa căn bản” gồm 10 vị thuốc nam chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân rất có hiệu quả, biên soạn cuốn “dược tính thuốc nam” và “cơ bản thuốc Nam” để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Liên khu 3 đã thành lập HTX sản xuất nhiều loại thuốc để phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình…Hội Đông y cứu quốc Thanh Hóa đã mở các lớp hấn luyện Đông y phục vụ nhân dân và phục vụ các đoàn dân công hỏa tuyến.
Năm 1954 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Căn cứ sắc lệnh 52/SL của Chủ tịch nước Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ ban hành Nghị định 399/NV-DC/NĐ ngày 3 tháng 6 năm 1957 cho phép tái thành lập Hội Đông y ở 32 tỉnh thành phố từ Vĩnh Linh trở ra với 4 cấp hội từ Trung ương đến cơ sở.
Ngày 27 tháng 2 năm 1955 trong thư gửi cán bộ, nhân viên ngành y tế Bác Hồ đã căn dặn”Cha ông ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học các cô các chú nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngay từ những ngày đầu Hội Đông y Việt Nam đã cử các hội viên Đông y có nhiều kinh nghiệm sử dụng thuốc nam tổ chức hướng dẫn cho cán bộ, bộ đội tại Chùa Bộc, Hà Nội đi công tác chiến trường biết nhận dạng một số cây thuốc trong rừng để chữa bệnh sốt rét, ỉa chảy, cảm cúm và các bệnh khác…Trung ương Hội đã chỉ đaọ các địa phương xây dự, củng cố, phát triển tổ chức hội; phối hợp cùng ngành y tế chăm sóc bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nước nhà hoàn toàn độc lập, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 118/CT/TW ngày 30 tháng 9 năm 1981 v/v “Củng cố tổ chức và tăng cường công tác của Hội y học cổ truyền (Hội Đông y) Việt nam trong thời kỳ mới”.Chỉ thị nhấn mạnh việc kiện toàn Ban chấp hành Trung ương Hội để đủ sức lãnh đạo công tác Hội trong cả nước, thành lập Hội ở ba cấp, tỉnh (thành), huyên(quận, thị xã) và xã (phường) tại các địa phương mới được giải phóng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam các khóa từ khóa III đến khóa XI luôn đánh giá cao vai trò của Đông y, Đảng chủ trương phát triển nền Đông y Việt Nam để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.
Bước sang thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam, nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành:
Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã ghi:’ Đẩy mạnh việc nghiên cứu thừa kế, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền thành một chuyên ngành khoa học”, “vận động khuyến khích và hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng các cây con làm thuốc”.
Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 3/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách quốc gia về y dược cổ truyền đến năm 2010.
Chỉ thị 24/CT-TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương về “Phát triển nền Đông y Việt nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”.
Nghị định 45/NĐ- CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý hội. Quyết định số 68/QĐ- TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ công nhận một số hội có tính chất đặc thù trong đó có Hội Đông y Việt Nam.
Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y dược cổ truyền Việt nam đến năm 2020”.
Hội Đông y Việt nam đã tổ chức cho các cấp hội và hội viên học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước
Về tổ chức hội: Đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành hội, 90 % số quận, huyện, thị ; 82,3 % số xã, phường, thị trấn đã có tổ chức hội hoạt động. Tổng số hội viên trong cả nước tính đến tháng 12 năm 2010 là gần 70.000 hội viên gồm trên 40 dân tộc, không phân biệt các thành phần tôn giáo, các tầng lớp giai cấp trong xã hội Việt Nam. Khối chi hội trực thuộc Trung ương hội gồm 30 đơn vị bao gồm các cơ sở khám, chữa bệnh, đào tạo, sản xuất thuốc, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực đông y, đông dược.
Hội Đông y Việt nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tính chất đặc thù, với hệ thống tổ chức hội rộng lớn, hoàn chỉnh ở cả 4 cấp hội từ Trung ương đến cơ sở xã, phường.
– Hội thường xuyên đào tao, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề cho đội ngũ cán bộ, hội viên, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, phấn đấu giỏi về y lý, tinh thông về y thuật trong sáng về y đức đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
– Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, thừa kế những môn thuốc hay, những cây thuốc quý của các ông lang, bà mế, lương y có tay nghề cao, người có bài thuốc gia truyền chữa bệnh hiệu quả.
– Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tu thư biên dịch, tuyên truyền phổ biến, kết hợp Đông y với tây y, từng bước xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân.
– Tăng cường hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước liên quan đến đông y đông dược.
– Phối hợp cùng ngành y tế thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, kế thừa, phát huy, phát triển nền Đông y nước nhà, bảo tồn một bộ phận di sản văn hóa dân tộc.Phấn đấu thực hiện mục tiêu “Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 ” của chính phủ là khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đến năm 2015 tuyến Trung ương đạt 10%, tuyến tỉnh đạt 15 %, tuyến huyện 20 %, tuyến xã đạt 30%. Đến năm 2020 Trung ương đạt 15 %, tuyến tỉnh đật 20 %, tuyến huyện 25 % và tuyến xã phải đạt 40%. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Nền Y học Việt Nam khoa học – dân tộc – đại chúng, thiết thực phục vụ sức khỏe nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh