Tắc tia sữa là gì?
Cấu tạo bầu vú của người phụ nữ gồm rất nhiều ống dẫn làm hoạt động dẫn sữa từ các nang sữa về các xoang chứa sữa nằm ngay sau quầng vú. Dưới hoạt động bú mút của trẻ, sữa sẽ được tống đẩy ra ngoài
Dưới hoạt động bú mút của trẻ, sữa sẽ được tống đẩy ra ngoài.
Nhưng khi một ống dẫn bị gập lại do tư thế hoạt động hoặc vì một lí do nào đó mà lòng ống dẫn bị hẹp bít lại (chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn bị tắc cứ căng phồng lên chén ép các ống dẫn khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lí, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm
Bít tắc có thể gặp ở bất kì vị trí nào trên ống dẫn sữa hoặc ngay tại xoang chứa sữa. Có thể bị tắc ở một ống dẫn, nhưng cũng có thể bị tắc cùng lúc ở nhiều ống dẫn.
7 nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng tắc tia sữa
– Mẹ không cho trẻ bú sớm và bú thường xuyên.
– Mẹ không day đều bầu sữa để thông sữa ngay sau sinh.
– Mẹ cho trẻ bú không đúng cách, không cho bé bú đủ cữ.
– Khi bé bú xong không vắt bỏ sữa thừa, sữa này đọng lại lâu gây ôi, tắc, ung nhũ.
– Mẹ không vệ sinh, lau rửa đầu vú sau khi cho bé bú tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào gây ra viêm tắc tuyến vú.
– Sản phụ có đầu ti bị thụt vào hoặc quá bằng phẳng, đầu ti quá to gây cản trở bé bú, bé sẽ có phản xạ cắn mút đầu ti hình thành nên những vết thương nhỏ, loét. Trẻ vẫn tiếp tục bú, cắn mút sẽ làm cho đầu ti của mẹ nứt rộng hơn, việc cho con bú trở nên khó khăn và mẹ cảm thấy đau đớn, lúc này mẹ cho con bú không đều hoặc không muốn cho con bú nữa sẽ dẫn đến tình trạng sữa ngày càng ứ đọng nhiều gây viêm tắc tuyến vú.
– Sản phụ bị căng thẳng tinh thần trong thời kỳ cho con bú hoặc chế độ dinh dưỡng cho người mẹ chưa hợp lý… cũng làm tăng nguy cơ tắc tia sữa.
Làm cách nào để phòng tắc tia sữa?
Để hạn chế tình trạng này, hạn chế sự đau đớn do sữa bị ứ đọng ở bầu ngực, các chị em cần chú ý các điều sau đây:
- Trong thời kỳ mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng, hàng ngày các mẹ cần chú ý dùng tay vê kéo dần ra ngoài để tạo điều kiện cho con bú dễ dàng hơn. Khi núm vú ngắn, miệng trẻ sơ sinh còn non sẽ khó ngậm được lâu dẫn đến tình trạng bé bỏ bú, chán vú mẹ làm cho sữa mẹ không thông, không chảy ra ngoài được, ứ đọng lâu ngày trong bầu ngực dẫn đến tắc sữa, ứ sữa.
- Ngay sau khi sinh, mẹ cần day đều bầu sữa để thông sữa. Có thể vừa day vừa chườm ấm để kích thích tuyến sữa mẹ giãn nở từ đó dễ tiết ra hơn.
- Sau khi sinh nửa giờ mẹ có thể cho bé bú ngay để tạo phản xạ kích thích, giúp sữa nhanh được tống đẩy ra ngoài.
- Cho trẻ bú đúng giờ, mỗi lần bú khoảng 10 – 15 phút, không để trẻ ngậm đầu ti trong khi ngủ. Mỗi lần cho bé bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia.
- Vắt bỏ sữa thừa khi em bé không bú hết. Sữa thừa nếu không được vắt bỏ ra ngoài, để lâu ngày gây ung nhũ, bí tắc sẽ làm trầm trọng tình trạng tắc sữa.
Hút sữa thừa giúp mẹ phòng tránh hiện tượng tắc tia sữa.
- Mỗi lần cho con bú, sản phụ cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Khi vắt sữa nếu thấy có tia nào tắc hoặc chảy không thành dòng cần xoa vú cho mềm rồi vắt mạnh để thông ống dẫn sữa khi cho bú hoặc dùng máy vắt sữa thường xuyên để tránh tắc tia sữa.
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh để cho cơ thể mệt mỏi, stress. Nên uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng: thịt, cá, trứng, sữa và các chất xơ từ rau quả, hạn chế ăn chất béo bão hòa…
- Sau khi sinh, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để tránh nhiễm bệnh liên quan tới phong hàn (cảm lạnh).
- Khi thấy một phần của vú bị sưng đỏ, sờ thấy nóng mẹ cần lập tức đi khám bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp thích hợp phòng tránh tắc tia sữa.