Đau dạ dày thường có vị trí đau ở vùng thượng vị với nhiều mức độ khác nhau, nhưng thường là đau âm ỉ, có tính chất chu kỳ.
Khoảng 90% các trường hợp bị viêm loét dạ dày – tá tràng là do vi khuẩn HP – một loại vi khuẩn phổ biến ở nước ta, với khoảng 70% dân số bị nhiễm vi khuẩn này. Các trường hợp còn lại có thể do dùng thuốc giảm đau, kháng viêm mà điển hình là thuốc giảm đau xương khớp. Số ít có thể do stress.
Khi có biểu hiện đau dạ dày, nhiều người trì hoãn đi khám vì e ngại với phương pháp chẩn đoán nội soi hoặc xét nghiệm qua đường thở để phát hiện vi khuẩn HP. Tuy nhiên hiện nay, công nghệ mới đã phần nào giảm bớt mối lo ngại này.
GS.TS. Đào Văn Long, Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Nếu bệnh nhân chỉ bị ở mức độ vừa phải thì bác sĩ có thể chỉ định nội soi đường mũi – phương pháp này nhẹ nhàng hơn nhiều”.
Ngoài ra hiện nay, có phương pháp nội soi tiền mê, nội soi phóng đại, nhuộm màu ảo giúp nhận biết tổn thương chính xác hơn.
Điều cần lưu ý, khi có biểu hiện đau liên tục không đỡ cần đi khám để có thể phát hiện bệnh sớm để điều trị. Ngay cả khi điều trị rồi, bệnh dạ dày cũng có nguy cơ tái phát cao nên phải lưu ý trong sinh hoạt và ăn uống.