Hướng dẫn mẹ hút sữa mẹ bằng máy và vắt bằng tay đúng cách tốt nhất cho bé sẽ là nội dung thông tin, là lượng kiến thức cần thiết, khoa học, đúng phương pháp nhất mà chuyên mục muốn mách nhỏ, chuyển tải kinh nghiệm cho mẹ trẻ hôm nay. Qua bài viết này, bạn không chỉ biết thêm cách vắt sữa bằng tay an toàn không đau mà còn biết được cách vận dụng máy hút sữa như thế nào cho thật đúng đắn nhằm đảm bảo nguồn sữa đưa đến cho bé hấp thu là nguồn sữa mẹ sạch, dồi dào nhất.
Vắt sữa bằng tay hay bắt máy có tác dụng sẽ giúp bạn có nguồn sữa dự trữ cho con, dù bạn đi làm hay ở bất cứ đâu cũng đều có thể tiết sữa cất dần cho các bé. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được cách vắt sữa sao cho đúng, dù là bằng tay hay bằng máy thì khi chưa có kinh nghiệm mọi thứ sẽ không hề dễ dàng với bạn, cùng tham khảo thêm những chia sẻ và những mách nhỏ hữu ích hôm nay.
Không chỉ giúp bé được hưởng những lợi ích từ sữa mẹ, thường xuyên vắt sữa mẹ cũng là cách giúp mẹ hạn chế tình trạng căng sữa và tắc tia sữa khó chịu. Hiện nay, nhờ sự ra đời của hàng loạt các loại máy hút sữa, vắt sữa không còn là một việc quá khó khăn với mẹ. Tuy nhiên, với những mẹ vẫn thích phương pháp thủ công, truyền thống, chúng tôi xin mách mẹ cách vắt sữa mẹ bằng tay cực đơn giản ngay bây giờ:
Hướng dẫn cách vắt sữa mẹ bằng tay đúng cách nhất
Sẵn sàng “đồ nghề”
- Chuẩn bị sẵn bình sữa đã được rửa sạch, và tiệt trùng sơ qua bằng nước sôi. Sau khi rửa, mẹ có thể lấy khăn lau để thấm bớt lượng nước dư thừa hoặc để ráo tự nhiên.
- Túi đựng sữa chuyên dụng. Mẹ có thể dễ dàng tìm mua ở những cửa hàng chuyên bán đồ dùng mẹ và bé.
- Dùng khăn mềm, thấm nước ấm lau qua bầu vú trước khi vắt sữa. Mẹ có thể massage nhẹ nhàng hai bên để dễ vắt hơn.
Cách vắt sữa mẹ bằng tay
Chọn cho mình một tư thế thoải mái, ngồi hoặc đứng tùy mẹ, và để bình sữa gần với ngực.
Dùng một tay nâng bầu vú, sao cho ngón trỏ đặt dưới bầu vú, gần quầng vú. Còn ngón cái nằm trên bầu vú, đối diện ngón trỏ. Điều chỉnh vị trí tay sao cho phù hợp. Với những mẹ có quầng vú rộng, bạn có thể để tay lùi vào trong quầng vú một chút. Ngược lại, nếu mẹ có quầng vú rộng, các ngón tay có thể đặt ở bên ngoài.
Ấn nhẹ các ngón tay vào bầu ngực, giữ nguyên lực, tiếp tục dùng ngón trỏ và ngón cái ép xuôi quầng vú về phía trước, đẩy sữa ra khỏi các túi sữa, và tràn ra đầu vú.
Nới lỏng lực ở tay, sau đó tiếp tục làm lại thao tác trên một lần nữa. Chuyển sang bên ngực còn lại khi thấy dòng sữa có xu hướng chảy chậm lại. Thông thường, thời gian tối thiểu cho một bên ngực khoảng từ 3-5 phút.
Hướng dẫn cách vắt sữa mẹ bằng máy hút sữa đúng cách nhất
- Ngày nay, việc hút sữa bằng máy không còn mấy xa lạ với các mẹ nuôi con hiện đại. Với sự xuất hiện của hàng loạt máy hút sữa của nhiều hãng nhiều chức năng không khiến các mẹ hoang mang, lúng túng trong việc chọn lựa cho mình một nhãn hàng thích hợp, tiện, lợi và hiệu quả.
- Thực tế chưa có trường hợp nào núm vú bị to ra do sử dụng dụng cụ hút sữa, vì vậy những lo ngại của một số bà mẹ có thể do tâm lý. Vắt bằng máy hay bằng tay đều như nhau và đều sẽ bị đau nếu không làm đúng cách.
Các loại máy hút sữa có mặt trên thị trường hiện nay
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, các mẹ hẳn không còn xa lạ với các loại máy hút sữa bằng điện và bằng tay, phổ biến là các sản phẩm cũa hãng Medela, Avent, Spectra, Farlin…Các loại máy đều có chung một công dụng là hút sữa mẹ để cho bé bú, là trợ thủ đắc lực cho các bà mẹ phải đi làm nhưng vẫn muốn cho con bú sữa mẹ.
Việc hút sữa trong ngày có thể cách 4h/lần, 4-5 lần/ngày. Nếu ban đêm bé bú mẹ trực tiếp thì mẹ có thể tranh thủ ngủ, không cần phải dậy hút sữa vào giữa đêm. Tuy nhiên, có một số trường hợp bé không bú ban đêm hoặc bú bằng bình nhưng mẹ không hút sữa ban đêm cũng không ảnh hưởng đến lượng sữa vắt hàng ngày miễn là người mẹ vẫn đảm bảo những lưu ý sau:
- Ăn ngủ hợp lý
- Hạn chế stress
- Hút sữa đều đặn, hút cạn kiệt sữa
- Trước khi hút sữa 15 phút người mẹ nên uống 1 ly nước hoặc sữa ấm để giúp sữa nhanh xuống
- Sau khi hút sữa xong, người mẹ nên bù nước bằng cách uống sữa hoặc uống canh.
Cách vắt sữa mẹ bằng máy
Đầu tiên để máy ở nấc nhỏ đến khi sữa về thì tăng dần từ từ đến mức mà đầu ti có thể chịu đựng được. Có người sữa về chậm hoặc người mẹ hôm đó mệt thì 4-5 phút sữa mới về. Người mẹ nên massage đầu ti bằng cách vê nhẹ đầu ti cho đến khi sữa bắt đầu về thì việc hút sữa sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hút mỗi bên 3-5 phút cho đến khi hết sữa. Sau đó nghỉ 5 phút hút lại mỗi bên 1 lần nữa. Lớp sữa lần hút thứ 2 đặc, màu vàng chứa nhiều chất bổ giúp bé tăng cân.
Kinh nghiệm cho mẹ khi dùng máy hút sữa
- Nếu bạn đã hoặc chuẩn bị mua một chiếc máy hút sữa để hỗ trợ việc nuôi con những tháng đầu thì nên ghi chú lại những điểm cần lưu ý dưới đây.
- Sau khi bé yêu chào đời, bạn sẽ bắt đầu phải đối mặt với một số vấn đề như: kích thích cho sữa nhanh về, làm thông tuyến sữa, sữa tắc sữa giai đoạn đầu… Trong những trường hợp như vậy, chiếc máy hút sữa sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu. Chưa kể, khi bắt đầu đi làm, dụng cụ này sẽ giải quyết giúp bạn nhiều vấn đề.
Khi sử dụng máy hút sữa để hỗ trợ việc cho con bú, bạn cần phải lưu ý một vài điểm nhỏ như sau:
- Đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng của máy trước khi bắt đầu thử trên cơ thể.
- Có 2 loại máy hút sữa phổ biến là máy hút bằng tay và máy hút sử dụng điện. Máy hút tay có thể không tiện bằng máy chạy bằng điện nhưng tùy nhu cầu và điều kiện kinh tế để bạn có sự lựa chọn phù hợp.
- Trước khi hút sữa, bạn cần phải rửa sạch tay và sát trùng thật cẩn thận dụng cụ sử dụng trong quá trình hút sữa.
- Phễu chụp núm vú sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau, vì thế nếu bạn cảm thấy chiếc phễu chụp quá nhỏ hoặc quá to so với núm vú của mình thì hãy gọi điện đến nhà sản xuất để yêu cầu một chiếc phễu phù hợp hơn. Khi hút, đầu núm vú phải nằm giữa tâm của ống phễu.
- Để phễu chụp khít chặt với núm vú hơn, hãy làm ẩm phễu trước khi sử dụng.
- Nên sử dụng máy hút đôi (hút 2 ngực cùng một lúc) để rút ngắn thời gian của bạn. Nếu như bạn chỉ dùng máy hút đơn, hãy hoán đổi 2 bên vú liên tục trong quá trình hút sữa.
- Nếu hút sữa đúng cách thì bạn sẽ có cảm giác êm nhẹ như con đang bú. Nếu cảm thấy đau hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, hãy dừng ngay việc sử dụng máy và tới gặp chuyên gia dinh dưỡng.
- Bạn nên sắm một chiếc tủ lạnh mini chỉ để bảo quản sữa cho bé sau khi hút, nếu không có điều kiện hãy dùng hộp có nắp đậy kính.
- Bạn nên uống thật nhiều nước và uống sữa bổ sung cho mẹ, ăn đủ 3 bữa bổ sung nhiều rau quả để đảm bảo chất lượng sữa cho bé.
Nếu sử dụng máy hút sữa đúng cách, bạn có thể cho bé dùng sữa mẹ đến 2 tuổi trong khi vẫn đi làm bình thường mà không lo mất sữa.
Chỉ dùng máy hút sữa khi bắt buộc
- Kinh nghiệm là thế nhưng các bác sỹ thì cho rằng không nên lạm dụng máy hút sữa mà chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Máy hút sữa có thể tiết kiệm thời gian, sức lực cho bà mẹ sau sinh bởi nếu dùng máy, bạn sẽ không phải ngồi một chỗ cho con bú, có thể tranh thủ vắt sữa khi đang nghỉ ngơi và tránh được những cơn đau lưng dai dẳng do ngồi cho con bú quá lâu.
- Tuy nhiên, cái lợi trước mắt đó chưa thể sánh bằng những cái hại về sau. Về cơ bản, hút sữa bằng máy hay bằng tay cũng đều giống nhau và đều khiến bà mẹ bị đau nếu không làm đúng cách. Nhiều bà mẹ lựa chọn máy vắt sữa vì sợ hỏng ngực cũng không hoàn toàn đúng bởi khi tác động lên đầu ngực thì vẫn gây ảnh hưởng lên đó, dù ít hay nhiều.
- Hút sữa là hành động mang tính cơ học, hút nhiều thì sẽ làm hết sữa, nhưng việc cho con bú thì ngược lại, nó kích thích sữa bài tiết nhiều hơn. Ngoài ra, một lý do nữa không kém phần quan trọng là khi cho con bú, tình cảm mẫu tử sẽ được thắt chặt hơn. Chỉ những trường hợp mẹ bị bệnh lý về vú, không ra sữa, nứt đầu vú… thì mới nên sử dụng đến máy hút sữa.
Một vài lưu ý khi vắt sữa mẹ cần phải nhớ
- Dùng tay ấn nhẹ bầu ngực khi vắt sữa. Tránh dùng lực bóp, hoặc dùng tay vuốt mạnh bầu ngực theo chiều dọc, vì có thể làm tổn thương các mô mỏng manh quanh ngực.
- Di chuyển các ngón tay xung quanh bầu vú trong khi vắt sữa để bảo đảm không có tuyến sữa nào bị “bỏ rơi.”
- Nên rửa tay, vệ sinh bầu vú sạch sẽ trước khi vắt sữa.
- Sữa mẹ sau khi vắt và được trữ lạnh có thể lưu giữ từ 2-3 ngày.
- Nếu sữa được bảo quản trong tủ đông, trước khi cho bé uống, mẹ nên đặt bình sữa trong nước ấm để rã đông, và làm tăng nhiệt độ của sữa. Lắc đều sữa trước khi cho con uống để phân bố lại lượng chất béo có trong sữa. Sữa sau khi rã đông, nếu bé uống không hết, mẹ cũng không nên sử dụng lại.
- Không sử dụng lò vi sóng để hâm nóng sữa vì lò vi sóng có thể làm mất lớp kháng thể có trong sữa.