Dinh Dưỡng Trong Điều Trị Bệnh

Một người bình thường muốn khỏe mạnh thì phải có chế độ dinh dưỡng tốt. Với người bệnh, dinh dưỡng lại có vai trò quan trọng hơn.

Dinh dưỡng lâm sàng là một bộ phận không thể thiếu được trong điều trị toàn diện cho người bệnh. Một chế độ ăn đầy đủ, phù hợp sẽ giúp nâng cao sức khỏe và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Quan niệm của đại bộ phận cho rằng vào viện là để điều trị bằng thuốc, nên nhiều người bệnh còn xem nhẹ dinh dưỡng,  thích ăn gì thì ăn nấy,  hoặc chỉ “ăn cho qua bữa”, kiêng khem quá mức hoặc bồi bổ sai cách do chưa hiểu rõ… Hậu quả là, bệnh viện là nơi chăm sóc sức khỏe nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện cao từ 30% đến 60%.

Dinh dưỡng cho người bệnh là một biện pháp điều trị.
Dinh dưỡng hợp lý là một bộ phận không thể thiếu được trong các biện pháp điều trị tổng hợp. Thức ăn cần phải được xem như thuốc, đảm bảo chế độ ăn trong điều trị phải được thực hiện nghiêm túc. Dinh dưỡng là một yếu tố điều trị chủ yếu, dinh dưỡng làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa bệnh không tiến triển hoặc chuyển sang mạn tính.

Dinh dưỡng lâm sàng có tác dụng trực tiếp tới nhiều căn bệnh có nguyên nhân như thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, loét dạ dày, rối loạn lipid máu,…

Chế độ ăn điều trị làm tăng sức đề kháng chung của cơ thể, có tác dụng phòng bệnh chống lại bệnh tật,  đặc biệt ở những người bệnh bị nhiễm độc và nhiễm khuẩn.

Dinh dưỡng giúp người bệnh tránh các triệu chứng khó chịu, thí dụ như những người bệnh bị tăng độ toan dịch vị thường bị ợ chua, đau vùng thượng vị, có cảm giác co thắt ở ngực. Nếu người bệnh ăn giảm những thức ăn có acid, chia nhỏ nhiều bữa ăn gần nhau, thì tăng tiết dịch vị cũng mất đi, từ đó người bệnh sẽ giảm các triệu chứng nói trên.

Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị giúp phục hồi cơ thể, đặc biệt đối với người bệnh sau mổ, bỏng, thở máy dài ngày,… Cũng vậy, dinh dưỡng có vai trò lớn trong một số bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn lipid, gout,… việc tuân thủ chế độ ăn giúp người bệnh mắc gout tránh được đợt cấp, tái phát hay chuyển sang mạn tính.

Như vậy, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong tất cả các giai đoạn điều trị bệnh, phòng biến chứng, phòng tái phát.

Các nghiên cứu khoa học, cũng như từ thực tế lâm sàng đã chỉ rõ,  chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong điều trị và phòng tránh các biến chứng. Do đó, người bệnh song song với điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác, cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh. Cần phải xem việc dinh dưỡng hợp lý như là thuốc, cùng với sử dụng thuốc không chỉ thực hiện khi nằm bệnh viện mà cả khi đã ra viện.



THẢO DƯỢC MINH NHI - THẢO DƯỢC BẢO VỆ SỨC KHỎE